Theo một bài viết nghiên cứu của Businessolver State of Workplace Empathy Study vào năm 2018, 90% nhân viên tin rằng thể hiện sự đồng cảm là một giá trị quan trọng nơi làm việc. Và đa phần đều cho rằng, họ sẵn sàng “nhảy việc” nếu làm với người sếp thiếu thể hiện sự đồng cảm.
Nếu đã trở thành một nhà quản lý, bạn không chỉ phải trở thành người giỏi nhất mà còn phải đưa đội ngũ thành những chiến binh mạnh mẽ. Để làm được điều đó, bạn cần huấn luyện nhân viên của mình một cách tài tình và sự đồng cảm chính là kỹ năng đóng vai trò then chốt.
Nội dung bài viết:
ToggleĐồng cảm là gì?
Đồng cảm, hiểu một cách đơn giản là nhận ra cảm xúc của người khác và có thể đặt mình vào tâm thế của người khác. Để đồng cảm, bạn phải “bỏ” được suy nghĩ và mối quan tâm của chính mình. Một khi nhìn nhận thế giới bên ngoài, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều điều để nhìn nhận và đánh giá.
Tương tự như thế khi là một nhà quản lý, bạn cần “bước” ra khỏi vị trí cấp trên và đặt bản thân vào góc nhìn, quan điểm của nhân viên. Một người quản lý đại tài khác biệt với phần còn lại chính là họ có khả năng thể hiện đồng cảm với những nhân viên của mình.
Họ hiểu mình cũng từng làm “Quân” và biết nhân viên đang gặp phải những vấn đề gì để hành xử cho phù hợp. Hãy đồng cảm với nhân viên bằng sự chân thành, họ sẽ cực kỳ yêu quý bạn và luôn muốn tận hiến sức mình để hỗ trợ cấp trên.
Người xưa có câu “Dân làm nên Vua, Quân làm nên Tướng”. Hãy nghĩ xem, nếu không có nhân viên, những người luôn ủng hộ và hỗ trợ, liệu bạn đạt được thành công?
3 điều không phải nhà quản lý nào cũng biết về đồng cảm
Gia tăng khả năng giữ chân “hiền tài”
Giữ chân nhân tài là một trong những khó khăn mà nhà quản lý phải đối mặt. Và lý do phổ biến nhất khiến nhân viên “nhảy việc” là sự thiếu tin tưởng và khả năng đánh giá của cấp trên. Đồng cảm sẽ gia tăng niềm tin và tạo cho nhân viên cảm giác được tôn trọng hơn. Do đó, những người quản lý có khả năng đồng cảm sẽ chiếm được “trái tim” của nhân viên và góp phần không nhỏ đến khả năng gắn bó của họ.
Thúc đẩy tinh thần làm việc
Chắc hẳn bạn đã từng có cảm giác vui mừng khi ai đó đánh giá cao việc mình làm cho họ, bản thân sẽ thôi thúc đóng góp nhiều hơn nữa. Việc quản lý nhân viên cũng vậy, nếu ta thể hiện sự ghi nhận với những công sức mà họ bỏ ra, chắc chắn họ sẽ ngày càng nỗ lực hơn. Các nhà quản lý giỏi nhận thức rất nhanh và tốt vấn đề này.
Được mọi người nể trọng
Như đã nói ở phần đầu, một người thể hiện được đồng cảm luôn biết cách đặt mình vào tâm thế của người khác để nhìn nhận toàn diện một vấn đề. Ví dụ khi nhân viên sai phạm, một nhà quản lý cấp trên sẽ đặt họ vào tình huống đó để xem xét và đánh giá. Lẽ dĩ nhiên, một người cấp trên “thấu tình đạt lý” sẽ luôn được lòng nhân viên.
Làm thế nào để vận dụng khả năng đồng cảm hiệu quả?
Để vận dụng khả năng đồng cảm hiệu quả hơn, hãy xem xét những điều sau:
1. Đặt quan điểm của bản thân sang một bên và nhìn quan điểm của người khác
Khi làm điều này, bạn sẽ nhận ra rằng nhân viên không bướng bỉnh, mà họ chỉ phản ứng với tình hình với những kiến thức họ có.
2. Xác nhận quan điểm của người khác
Hãy nhớ rằng sự thừa nhận không phải lúc nào cũng đi với đồng ý. Bạn có thể chấp nhận rằng các thành viên có ý kiến khác nhau và họ có thể có lý do chính đáng với giữ những ý kiến đó.
3. Kiểm tra thái độ của bạn
Kết quả không phải mối quan tâm hàng đầu, ưu tiên của bạn hướng đến đó là một giải pháp, Nếu không có tâm trí và thái độ cởi mở, bạn không thể đồng cảm với nhân viên.
Xem thêm: Bí kíp kiểm soát cảm xúc trong đào tạo.
Cách phát triển và thể hiện sự đồng cảm
#1 Đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời
Một số nhà quản lý nghĩ rằng công việc của họ là nói và nhân viên phải lắng nghe sau đó thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, các nhà quản lý giỏi nhất hiểu rằng lắng nghe là kỹ năng quan trọng hơn để phát triển. Đây cũng là bước đầu tiên để phát triển sự đồng cảm.
Thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của một người từ quan điểm của họ, đó chính là sự đồng cảm. Vì vậy, bạn không thể nhìn vào chúng và đưa ra giả định. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi mở và lắng nghe câu trả lời.
Nếu như vẫn chưa đặt câu hỏi và lắng nghe sâu, bạn hãy bắt đầu thực hiện việc này trong tương tác với nhân viên. Ví dụ: nếu nhân viên sai phạm, đừng chỉ nói cho họ biết phải làm gì, nhà quản lý tìm hiểu nguyên nhân xảy ra và luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần.
Nhà quản lý cũng cố gắng dành thời gian để tương tác với từng thành viên trong nhóm của mình một cách thường xuyên. Có nhiều hình thức như dùng bữa trưa hoặc uống cà phê, và khuyến khích họ nói về kinh nghiệm của mình ở nơi làm việc cũng như cuộc sống bên ngoài. Lắng nghe kỹ, và cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ.
#2 Nói chuyện mặt đối mặt
Công nghệ ngày nay mang lại trải nghiệm tương tác mọi lúc mọi nơi. Nhưng thật khó để xây dựng sự đồng cảm qua email hoặc các trò chuyện trên các phần mềm hơn là tương tác trực tiếp. Có rất nhiều dấu hiệu cảm xúc mà chúng ta nhận được thông qua nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Và những tín hiệu đó sẽ không còn khi ta sử dụng phương tiện truyền thông. Biểu tượng cảm xúc không bao giờ có thể khắc họa được cảm xúc thực sự của chúng ta.
Vì vậy, nếu bạn đang có thói quen gửi email cho nhân viên cách mình chỉ 3 mét, hãy cố gắng phá vỡ thói quen đó. Đứng dậy và bước đến bàn của nhân viên, nói chuyện trực tiếp qua vấn đề này. Email hoặc mạng xã hội vẫn hữu ích, ví dụ: cần truyền tải nhiều dữ liệu hoặc đính kèm tài liệu để làm việc, nhưng nếu chỉ là một câu hỏi đơn giản, hãy hỏi trực tiếp.
#3 Hình thành thói quen đọc sách
Đây có thể là cách phát triển đồng cảm khiến bạn ngạc nhiện. Thế nhưng đọc một cuốn sách, đặc biệt là những tác phẩm tiểu thuyết văn học được chứng mình giúp ta có thể gia tăng sự đồng cảm.
Nguyên nhân là bởi các tiểu thuyết văn học tập trung khai thác tâm lý nhân vật và những mối quan hệ của họ. Khi đọc thể loại này, tâm trí của chúng ta đang “vận hành” để hiểu những nhân vật và nhìn thế giới từ quan điểm của họ. Điều đó chính là sự đồng cảm.
Thể hiện sự đồng cảm sẽ giúp nhà quản lý phát triển khả năng quản trị nhân lực cũng như gia tăng năng lực cho đội ngũ của mình. Khi người quản lý hiểu nhân viên, tự động họ cũng muốn hiểu ta. Đây là cách chung ta có thể bắt đầu xây dựng mối quan hệ, hợp tác và làm việc cùng nhau.
Đọc thêm nhiều bài viết hay khác: